Tầm quan trọng của bộ phận quản lý nhân sự

Một doanh nghiệp không thể xây dựng đội ngũ tốt với những nhân sự chuyên nghiệp, hiệu quả nếu không sở hữu bộ phận quản lý nhân lực chuyên nghiệp.

Các chức năng chính của bộ phận quản lý nhân sự (HRM) bao gồm tuyển dụng, đào tạo, đánh giá hiệu quả, thúc đẩy nhân viên, truyền thông nội bộ, an toàn lao động, và nhiều hơn nữa. Dưới đây sẽ là những chức năng chính mà bộ phận nhân sự trong một doanh nghiệp điển hình phải phụ trách.

1. Tuyển dụng và đào tạo

Đây là một trong những chức năng chính của bộ phận quản lý nhân sự. Nhân sự là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch và chiến lược tuyển dụng để thu hút đúng nhân tài về công ty.

Họ chịu trách nhiệm thiết kế các tiêu chí phù hợp với những mô tả công việc cụ thể. Các nhiệm vụ khác của người làm nhân sự liên quan đến việc tuyển dụng bao gồm xây dựng phạm vi công việc và nghĩa vụ của người nhân viên.

Dựa trên hai yếu tố này, bộ phận quản lý nhân sự sẽ chuẩn bị hợp đồng cho nhân viên mới. Khi cần thiết, nhân sự cũng trực tiếp đào tạo cho nhân viên theo những yêu cầu từ doanh nghiệp. Theo đó, các nhân viên mới có thể nâng cao kỹ năng để đáp ứng tốt hơn vai trò mới của mình.

2. Đánh giá hiệu quả

Bộ phận quản lý nhân sự khuyến khích nhân viên trong tổ chức chung tay làm việc cùng nhau, giúp họ phát huy hết tiềm năng, đồng thời đưa ra các gợi ý để giúp người nhân viên cải thiện hiệu quả của mình.

Nhân sự cũng là người thường xuyên giao tiếp với nhân viên để cung cấp cho họ những phản hồi cần thiết về hiệu quả làm việc và giúp nhân viên xác định rõ vai trò của mình

Hoạt động này rất có lợi vì nó cho phép nhân viên có thể phác thảo được những mục tiêu một cách rõ ràng; theo đó, giúp họ dễ dàng thực hiện các mục tiêu kia toàn tâm toàn ý. Nếu được thực hiện thường xuyên, hoạt động đánh giá hiệu quả sẽ tạo ra động lực lớn cho nhân viên.

3. Duy trì không khí làm việc

Đây là một chức năng quan trọng của bộ phận quản lý nhân sự vì hiệu suất của nhân viên trong tổ chức phần lớn bị ảnh hưởng bởi không khí hoặc văn hóa làm việc chung.

Điều kiện làm việc tốt là một trong những lợi ích mà nhân viên có thể mong chờ từ một bộ phận quản lý nhân sự hiệu quả. Môi trường an toàn, sạch sẽ và lành mạnh có giúp nhân viên phát huy tốt nhất khả năng của mình. Không khí làm việc thân thiện cũng gia tăng sự hài lòng cho nhân viên.

4. Quản lý tranh chấp

Trong một tổ chức, có rất nhiều vấn đề phát sinh có thể dẫn đến những tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Có thể nói rằng các mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi.

Trong bối cảnh đó, bộ phận quản lý nhân sự đóng vai trò nhà tư vấn và hòa giải để giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả.

Đầu tiên, nhân sự lắng nghe những than phiền và bức xúc của nhân viên. Sau đó, họ đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết chúng. Nói cách khác, bộ phận quản lý nhân sự chịu trách nhiệm hành động kịp thời và phòng ngừa trường hợp các vấn đề trở nên quá nghiêm trọng.

5. Quan hệ công chúng

Một phần lớn trách nhiệm duy trì quan hệ tốt với công chúng thuộc về bộ phận quản lý nhân sự.

Nhân sự chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc gặp kinh doanh, hội thảo và những cuộc họp chính thức khác trên danh nghĩa công ty để xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp khác, báo chí, truyền thông. Đôi khi, nhân sự cũng đóng vai trò tích cực trong hoạt động lập kế hoạch kinh doanh và tiếp thị cho doanh nghiệp.

Ở thời đại “quảng cáo đang thoái trào, PR lên ngôi,” khi hoạt động xây dựng và duy trì các mối quan hệ ngày càng được đề cao, những đóng góp của bộ phận quản lý nhân sự ngày một được thể hiện rõ trong hầu hết doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp không xây dựng bộ phận quản lý nhân sự vững mạnh rất dễ gặp phải vô vàn rắc rối trong các hoạt động kinh doanh thường nhật. Vì vậy, ngày nay, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều công sức vào để xây dựng một phòng nhân sự vững mạnh và hiệu quả.

Xem thêm: >>> Quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp

 Bảng giá chữ ký số Viettel dành cho doanh nghiệp

Kế Toán AZ Việt Nam là ai?