4 Điều kế toán phải biết khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Nghị định 123/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/7/2022 sau khi Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP hết hiệu lực. Để tăng tính chủ động cho kế toán và doanh nghiệp trong việc áp dụng hóa đơn điện tử, MISA sẽ chỉ ra 4 quy định quan trọng cần nắm được về chuyển tiếp hóa đơn điện tử trong Nghị định 123/2020.

Xem Thêm:  Đã có Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ

1. Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 và khuyến khích áp dụng trước thời hạn

Điều 59, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

….

3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020”

Quy định này thể hiện sự nhất quán với Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14  có hiệu lực từ 1/7/2020 về thời hạn áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Tuy nhiên Chính Phủ, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương vẫn khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử sớm để nhận được những lợi ích lâu dài.

Hơn nữa, Nghị định 119/2018/NĐ-CP vẫn tiếp tục có hiệu lực đến 30/06/2022 nên việc đăng ký, sử dụng và quản lý hóa đơn điện tử sẽ vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định này và Thông tư 68/2019/TT-BTC.

2. Xử lý hóa đơn giấy đã đặt in, phát hành trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Điều 60, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về xử lý chuyển tiếp hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Theo đó, đối với hóa đơn đã phát hành sẽ xử lý như sau:

– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày Nghị định này được ban hành (19/10/2020) đến hết ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 => Như vậy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang sử dụng song song hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử thì sẽ tiếp tục được sử dụng đồng thời cả 02 hình thức hóa đơn này đến 30/6/2022.

– Từ 19/10/2020 đến 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020 hoặc Nghị định 119/2016/NĐ-CP, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế (theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020 cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng). Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

 

3. Hướng dẫn sử dụng hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập

Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong khoảng thời gian từ 19/10/2020 đến 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP  thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT (Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020) cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế nhằm phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

4. Áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in sau ngày 1/7/2022 như thế nào?

Cục Thuế đặt in hóa đơn để bán cho các đối tượng sau:

(1) Trong trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sau đây sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in:

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

– Doanh nghiệp vừa và nhỏ khác theo quy định.

Lưu ý: Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng. Đồng thời, cơ quan thuế có giải pháp để doanh nghiệp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế theo quy định.

(2) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố (theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 123/2020)

Hi vọng những thông tin trên bài viết của Kế Toán AZ Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp không bị lung túng trước những quy định mới của Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Xem thêm:Những điểm cần lưu ý trong bộ luật thương mại mới nhất 2020